Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Chuyện ngắn


SƯƠNG NGANG LƯNG NÚI
                                                                      Truyện ngắn: Thuỳ Dung         
   Người đàn ông cao lớn leo đến đỉnh dốc trước chìa tay rắn chắc: “ Chị cứ nắm chặt vào tay em, em kéo chị lên” . Bàn chân tôi loay hoay chưa biết đặt vào chỗ nào cho khỏi trượt,một tay vịn vào đất một tay bám vào búi cỏ chỉ cần búi cỏ bật gốc là tôi lăn trở lại chỗ vừa xuất phát. Tôi vội vã túm lấy anh chẳng khó khăn gì anh nhấc bổng lên một cách ngon lành. Đến nơi an toàn nhìn lại quãng đường vừa qua, cảm giác như mình vừa lập một chiến công kì tích.
 Chiều thứ Bẩy,  Mẫn (Đoàn kinh tế- quốc phòng) xuống chơi tôi nói chuyện sáng mai phải đến nhà học sinh vận động vì em nghỉ đã hơn một tuần không hiểu bị ốm hay lại muốn bỏ học… Mẫn bảo: “Chị đợi em, mai em xuống đi cùng chị”. Tôi ngần ngại : “Em được nghỉ mỗi ngày chủ nhật…hay…em cứ đi chợ đi”. “Thôi đi làm sao mà chị đi một mình được”..

 Buổi sáng đó trời rét lắm, mưa phùn rả rích mỗi lúc một dầy hạt hơn, nhìn qua khe cửa phải ra đi trong lúc này thật không khác gì tra tấn. Một lát sau làn mưa mỏng dần… Hai chị em quyết định lên đường. Từ dưới thung sâu màn sương quánh một màu trắng đục, cảm giác như đang đứng trước mặt biển không biết đâu là bờ bến. Tôi nói với Mẫn: “ Giờ mà trượt chân, chìm xuống đây là chết đuối đấy em nhỉ? Mẫn cười: “ Chị chỉ khéo tưởng tượng”.
 Trước khi Mẫn bảo: “ Chị mặc ít thôi đi tí là toát mồ hôi ý mà”. “Nhưng mà bây giờ chị rét, rét lắm…” Hai hàm răng tôi va vào nhau lập cập. Mẫn nhanh nhảu: “Thôi em cứ mang theo cái ba lô”.
Con đường tôi và Mẫn đang đi không rộng, thường ngày giáo viên chúng tôi vẫn lên ngồi chơi để đếm người qua lại, nhặt những viên sỏi để chơi ô ăn quan hoặc chơi chắt. Đôi khi phởn chí còn đi dọc đường hái hoa tìm mầm gai, mầm đũm ăn đến nỗi cả môi và lưỡi đều thâm xì lại. Chán thì về nấu cơm, soạn bài. Có khi cả lũ đồng thanh hát, hát chán rồi lại đồng thanh khóc.
 Cuộc sống cứ như vậy lặng lẽ trôi qua. Nhưng rồi, một lần đoàn kiểm tra chuyên môn của Phòng đến cảm nhận cuộc sống của năm cô giáo ở đây quá chênh vênh vì thiếu hẳn một nửa. Chưa đầy tháng sau quyết định chuyển đến, chuyển đi tới tấp, thay vì năm cô giáo ban đầu giờ còn lại ba và nhận về hai nam. Rồi cũng nhanh chóng hai người một họ tìm được nửa thiếu của nhau- rồi gắn kết là lẽ đương nhiên. Còn lại mình tôi, một cô gái hay đúng hơn là một người đàn bà… độc thân… vì tôi đã có chồng, có con nhưng cả hai đều cách tôi đến “nửa vòng Trái đất”. Một năm hai lần tôi trở về và ra đi lặng lẽ.
 Giờ đây giữa nơi vùng núi hoang vu này người duy nhất thân thiết và quan tâm đến tôi là Mẫn. Ngày Mẫn lên nhận công tác hai chị em nhận ra nhau ở chợ trước Mẫn và tôi ở cùng một xã nhưng đến khi tách thì Mẫn ở xã Thanh Bình còn tôi ở xã Thái Bình, hai chị em ngồi vào bàn thắng cố, lúc đầu còn ngần ngại nhưng chỉ sau hai chén rượu ngô thơm nồng là húp sùm sụp khen ngon.
  Tôi đùa Mẫn: “Trung Quốc họ gọi nhà để ướp xác người chết chưa có thân nhân đến nhận là nhà Thái Bình”. Mẫn cười xí xoá: “Nhưng mình người Việt Nam”.
 Từ dưới thung sâu kia một ngôi nhà nhỏ bé, thấp thoáng hiện ra trong làn sương mỏng. Khi tôi và Mẫn đến trong nhà chỉ có bốn đứa bé nhem nhuốc đang tranh nhau bốc cơm nguội, thấy có người lạ chúng sợ hãi dúm vào góc nhà. Chiếc phên đan tạm bằng những cây ngô khô hở ánh sáng loang lổ trên mặt đất. Mẫn hỏi lũ trẻ bằng tiếng địa phương được biết bố mẹ và Lù (học sinh của tôi) đi làm chưa về. Tôi ngỡ ngàng vì sao Mẫn lại có thể nói được tiếng H’Mông, biết điều đó Mẫn cười không giải thích mà hỏi lại tôi : Như chị thôI, ngày học Sư Phạm chắc chị không được học trình nào về vận động học sinh mà giáo viên nào lại không ghi nhớ việc phải đi vận động cơ chứ? Nghề nghiệp cả thôi… Tôi đưa mấy đứa bé ra ngoài lần nước, rửa chân tay mặt mũi cho chúng nhìn đứa nào cũng sáng sủa. Mẫn đem gói kẹo chia cho mỗi đứa vài cái, chúng nhai rôm rốp rồi cứ thò ra cửa nhìn tôi và Mẫn lại thụt vào cười trong vắt.
  Tôi và Mẫn ngồi ngoài gốc đào chờ đợi. Nhìn ngôi nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá, con lợn xề ịt ịt dạo quanh nó nằm ệch xuống bảy chú lợn con bu quanh mẹ mút chùn chụt hai hàng vú nhăn nheo.
 Phía xa, đã thấy đoàn người vác cuốc trở về, thoáng thấy tôi Lù đã vội vã bỏ chạy cuốc vẫn vác trên vai.
  Bố , mẹ Lù vui vẻ chào khách mời vào nhà:
-Mày đã đến đây thì mày ở đây ăn cơm với tôi, nhà tôi có canh gì ăn canh đấy.
 Trong bữa ăn tôi nói với ông đại loại. Lù là một học sinh rất ngoan và chăm chỉ nhận thức rất nhanh, em làm lớp trưởng là tôi yên tâm lắm, một tuần nay em nghỉ học chỉ lo em bị ốm nhưng đến đây thấy em vẫn khoẻ mạnh là tôi mừng lắm rồi, em cứ nghỉ ở nhà giúp bố mẹ hết ngày mai, ngày kia em đến lớp cũng được, các bạn trong lớp nhớ em lắm rồi. Nghe tôi nói xong cả bố và mẹ em đều kể cho tôi và Mẫn nghe những “thành tích” của em ở nhà và cả “cái đầu của nó cũng khôn lắm đấy”. Cả tôi và Mẫn đều tỏ ra rất “khâm phục” để khích lệ bố mẹ em. Rót một chén rượu thật đầy bà mời tôi cạn: “Cô giáo đã đến đây rồi thì ngày mai không bắt Lù ở nhà nữa mà cho con đi học”. Tôi cạn chén với bà mà không quên trao ánh mắt thân mật “Cô nhớ giữ lời nhé” rồi tôi lại rót một chén đầy: “cháu mời cô, chú cạn với cháu một chén”.
   Lúc về, bố mẹ Lù đã chỉ cho tôi và Mẫn đi con đường này, đường trâu đi nhưng mà gần.
                                                         *
  Mười tám tuổi, tôi lấy chồng. Năm sau tôi sinh đứa con gái cũng là lúc chồng tôi lên lên đường nhập ngũ. Anh mới có hai mươi…
  Mười chín tuổi tôi như bà già nhếch nhác, tóc búi tó có khi đến hai ngày không chải. Từ gà gáy đã dậy nấu cơm, ăn vội bát là ra đồng cho đến khi tròn bóng mới trở về. Hai bầu vú căng đầy, sữa chảy ròng xuống hai vạt áo, dần nó mốc đen lại, chuyển màu… cứ như vậy ngày nối ngày qua đi trong sự lam lũ.
  Đến một ngày…
  Đám cưới đứa bạn cùng lớp tôi mới xỏ vào bộ quần áo cô dâu hôm nào, bấy giờ mới có thời gian soi mình trong gương…Người đàn bà hốc hác, khác hẳn cô gái một năm về trước trố mắt nhìn tôi trừng trừng. Tôi lùi lại… sự tàn phá của thời gian thật  khủng khiếp, tôi tự hỏi: “Không có lẽ là mày hả Bình?”
 Từ hôm sau tôi bắt đầu chăm chút lại bản thân, chẳng mấy vất vả hôm nay đã khác xa ngày hôm qua.
  Hai năm đối với tôi dài như một thế kỉ tôi mong ngóng chồng trở về. Anh về lại báo cho tôi và gia đình biết: Anh sẽ xin ở lại phục vụ lâu dài trong Quân đội. Khi đó tôi không biết mình vui cho chồng hay buồn cho mình…Mà bố, mẹ anh thì hãnh diện gặp ai cũng khoe…
  Rồi tôi ra ở riêng, một căn nhà cô quạnh như chính sự cô quạnh của chủ nó. Dưới ánh đèn dầu le lói hai cái bóng của tôi và con lẳng lặng in trên vách.
 Tình cờ chị họ tôi ở xa về chơi, hai ngày sống cùng mẹ con tôi chị lắc đầu quầy quậy: “ Em còn trẻ, em không thể sống thế này được, chị về xem xin cho em đi học Sư phạm, em có thích dạy học không?”. “ Nhưng không biết chồng em có cho đi không?”_ Tôi lưỡng lự. Chị lại tiếp: “Em phải nghĩ cho em chứ?”
  Cuối tuần chồng về. Tôi nói chuyện anh buông một câu thờ ơ và thiếu chia sẻ: “tuỳ”… Rồi tôi đi học, ra trường và được điều động về đây. Những ngày mới đến, cảnh tượng xao xác đến tiêu điều, ngôi trường nằm im lặng giữa bốn bề giăng bởi núi, năm chị em cùng gần hai chục học sinh lưu trú lọt thỏm giữa thung lũng, mỗi buổi tối ánh đèn dầu hiu hắt kéo từng khuôn mặt méo xệch trên vách. Từng con chữ trong trang giáo án nhoè nhoẹt nhẩy múa…Lần tôi về không dám nói tất cả sự thiếu thốn và cô đơn tôi bóng gió: “Nếu anh muốn em ở nhà, em sẽ không đi nữa.”  Anh im lặng thiếu cả lời hỏi thăm thông thường nhất như những người bình thường hỏi thăm nhau, chỉ một phút sau tiếng thở rất đều anh đã ngủ, ngủ rất say. Hôm lên trường chồng đưa tôi đi bằng xe máy. Con đường vừa xóc, vừa dốc lại ngoằn ngoèo heo hút. Đến nơi,  nhìn lại con đường vừa qua ngòăn ngoèo ngay trước mặt anh lắc đầu: “Hú hồn, từ sau thì chừa không bao giờ dám quay lại cái nơi này nữa”. Sáng ngày hôm sau, vừa đánh răng, rửa mặt xong là anh vội vã: “Về thôi, tối mà không về được đến nhà là chết”. Nhìn theo chiếc xe lăn bánh vội vã để lại phía sau một làn khói mỏng mảnh rồi thì nó cũng tan biến vào không trung… Cảm giác của tôi lạ lắm, không biết người vội vã chạy đi kia là ai trong tim mình? Tôi chát mặn, những giọt nước mắt cứ vỡ oà đếm nhịp cùng bước chân lõm bõm trên con đường gồ ghề về phòng, úp mặt xuống gối trách móc vu vơ về những thứ không công bằng ở đời.
   Điều anh đã nói ra kia là thật, anh không dám quay lại nơi đó. Một dạo tôi bị ốm khi các bạn tôi điện báo cho anh, anh đã nhờ mọi người trông nom rất cẩn thận, anh không lên được vì không thể yên tâm gửi con cho ai chăm sóc, mà cũng không thể xin nghỉ được, anh cũng không quên một lời cảm ơn chân thành, Anh  nhắn lại, nếu về được thì cố gắng về anh sẽ ở nhà đợi…
   Từ đó sự liên lạc gắn chút tình cảm còm cõi giữa tôi và anh nhờ vào mỗi tháng đôi ba lần tôi lên điểm Bưu điện văn hoá xã, điện cho anh mà cứ phập phù lúc gặp anh, lúc thì người nghe máy không phải anh…
 Trong khu tập thể tôi là người lớn tuổi nên được coi như chỗ dựa về tinh thần. Mỗi buổi tối lại chụm lại ở phòng tôi để nói chuyện vui, cười đến nghiêng ngả. Nhưng đến khi ai đã về nhà nấy… tôi lại vùi mặt xuống gối nỗi cô đơn, buồn đến tan nát đua chen nhau tan thành nước cứ ròng ròng tuôn chảy…tôi lại khóc mùi mẫn. Các bạn tôi đã phát hiện ra điều đó (chắc các bạn tôi thương tôi lắm) rồi nhẹ nhàng gõ cửa: “Chị Bình ơi! cho em xin ít dầu”. Nhanh chóng lau khô nước mắt, tôi mở cửa và sớt dầu vào phao đèn cho bạn, biết các bạn không hết dầu, đó chỉ là lí do.
   Lần về Tết tôi hẹn anh ra bến đón, sự mong chờ đến mòn mỏi vì đằng đẵng mấy tháng trời mới được gặp lại chồng con bao mệt nhọc vì say xe tan biến. Nhưng… chuyến xe về muộn. Tôi bắt xe ôm về nhà… Ngôi nhà vắng lặng, hỏi hàng xóm mới biết con cún bà ngoại đón về từ chiều qua. Còn anh, mọi người đưa mắt nhìn nhau, lảng dần với một câu “Không biết”. Nhờ anh hàng xóm phá cửa để vào nhà. Trước mắt tôi là một mâm bát ngổn ngang rượu với thức ăn thừa. Tôi lẳng lặng dọn sạch sẽ tất cả thứ đó. Gần hai giờ sáng anh về. Tôi nhẹ nhàng: “Anh đi đâu về muộn thế, em nói anh ra bến đón sao anh lại quên?” Anh không trả lời tôi mà hỏi lại “Hôm nào đi”. Rồi thì anh cũng không cần nghe câu trả lời mà lên giường chỉ một phút sau, mùi men nồng nồng phả ra cùng hơi thở rất đều. Anh ngủ rất ngon..  Đến đây thì tôi hiểu, tất cả đều đã hết, cả một chút tình cảm còm cõi cũng không còn nữa rồi? Sáng hôm sau, tôi về bà ngoại cùng con gái, trước hôm ra đi tôi để lại lá đơn ly dị cùng năm mươi nghìn cho anh nộp án phí.
  Tôi và anh ra toà.
  Tôi  đồng ý để lại con cho anh vì điều kiện để chăm sóc cho tương lai của con với anh tốt hơn nhiều với điều kiện của tôi.
   Từ đó, tôi hay khóc mà không biết mình khóc vì cái gì nữa…Cho đến một ngày, tự dưng tôi mới nhận ra những giọt nước mắt vỡ oà chỉ vô vị, tôi hành hạ mình chỉ càng làm cho nỗi thất vọng thêm tràn trề. Đang khóc, tôi đứng bật dậy dứt khoát  không khóc nữa, tội đếch gì cứ phải tự hành hạ mình cơ chứ... Và tôi không khóc thật. Cho đến tận bây giờ tôi cũng hiểu vì sao lại không bao giờ có nổi nước mắt khóc cho anh?
   Từ đó, tôi chôn mình nơi cao nguyên này, nơi từng cơn gió chiều xé tướp táp những tầu chuối vừa hé lên khỏi bẹ, những ngày hè mặt đất bị rang bỏng dưới ánh nắng mặt trời và mùa đông thì lạnh đến thấu xương, thấu thịt. Cuộc sống cứ gập ghềnh như những con đường in dấu chân thiếu hẳn gót dẫu vậy nơi đây vẫn còn những cành hoa lê trắng muốt, những cây đào nguyên bản là đào phai vượt qua giá rét vươn mình đơm nụ, cho những bông hoa phớt hồng, người lắm tiền ráo diết tìm mua cả cây với giá cao ngất ngưởng mà chẳng mấy ai buồn bán ….
                                                       *
   Mẫn kém tôi hai tuổi, trong khi Mẫn chưa có vợ thì tôi đã có con lên mười. Mỗi chiều Mẫn đều xuống làm tất cả những việc mà trước khi biết Mẫn tôi vẫn làm như xách nước, bổ củi sửa lại mái nhà khi dột… Có hôm trời quá lạnh (mà tôi thì bị dị ứng) Mẫn xuống chơi thấy chậu quần áo trong lúc tôi lên lớp em xắn tay giặt làm cho tôi một phen hoảng hồn. Em cười “em giúp chị được mà”.
Có lần em về quê khi lên em mang cho học sinh cả tải quần áo ấm “Em thấy học sinh ở đây rét quá chị chia cho các cháu nhé!”. Nhận tải quần áo từ Mẫn mà lòng trào dậy niềm xúc động về tấm lòng của em. Trong những ngày giá lạnh, nhiều khi giọt sương đọng trên lá đóng tuyết lạo xạo dưới gót. Học sinh của tôi vốn đã ít thì những ngày này như càng co cụm lại. có buổi lên lớp bất chấp quy định của phòng cô trò ngồi ấm áp trên bếp lửa những hạt nắng lười biếng, khệnh khạng len qua lớp sương, nhõng nhẽo rơi xuống lớp tôi mới cho các em vào học.
 Nhìn lũ học trò nhỏ bé rét mướt, đôi bàn tay nhỏ nhoi ôm vòng bên đống lửa, tiếng cười như dòng suối ban mai, gọi Cô giáo bao giờ tôi cũng cảm thấy cuộc sống của mình mắc nợ nơi đây.
  Một buổi tối, Mẫn nói với tôi :
 -Em sẽ giới thiệu cho chị sếp của em, vừa li dị vì vợ ngoại tình.
Tôi cười sảng khoái:
 -Vậy sao? Nhưng mẫu người đó chị không bao giờ thích. Mẫu chị thích là người có vợ, chưa vợ hoặc vợ đã chết…
 - Vợ chết với li dị dâu có khác gì nhau?
- Sao lại giống nhau được, bởi người mất đi thì người sống còn nặng lòng với họ mà sống tốt hơn còn bỏ nhau là người vẫn còn nhưng tình thì đã chết họ sống chỉ để thêm hận thù nhau thôi.
 Mẫn nhìn tôi trân trân:
 - Em chẳng hiểu chị nói kiểu gì nữa!
 - Này nhá: Sếp của em đã quá mạo hiểm khi để lại cô vợ trẻ, đẹp ở nơi thị thành nhập khẩu vào xóm không chồng, mỗi năm sếp ở nhà cùng lắm là ba mươi ngày còn lại ba trăm ba mươi lăm ngày vò võ. Em còn nhớ Trí Phèo chứ? Muốn làm người lương thiện cũng không ai cho làm người lương thiện… Lẽ ra sếp của em phải biết điều đó mà chấp nhận hãy cho qua để làm người cao thượng.
 Mẫn khịt khịt mũi, tròn mắt:
 - Chị làm sao đấy! Nói như trong tiểu thuyết làm gì có thằng đàn ông nào chấp nhận vợ ngoại tình để làm người cao thượng?
 - Khó nhưng có phải không làm được đâu?… Cái mà người vợ cần không phải anh ta  bắt vợ phải kí vào đơn li dị mà là sự thấu hiểu quan tâm, em có hiểu không? Chị ta đã may mắn hơn là đau khổ đấy. Em có biết tại nơi này thôi, đầy kẻ tối nào cũng gối tay chồng nhưng ban ngày vẫn hẹn hò Nhà nghỉ với kẻ khác.
 Lần này Mẫn tỏ ra kinh ngạc hơn:
 - Sao chị biết điều đó?
 - Em nghĩ chị không hề biết là em quá sai lầm…
 - Chị biết vậy sao chị còn bỏ chồng?
 - Ly dị, đó là giải pháp văn minh là việc thiện nhất mà chị đã làm được, chị không ép buộc mà để anh ấy lựa chọn, không chọn chị vì anh có lí do không cần phải nói mới biết. Có buồn, có khổ tưởng như không thể vượt qua nhưng nghị lực của con người không thước nào đo đếm được.
 Cơn gió nhẹ luồn qua khe vách mang cái lạnh tràn vào nhà, ngoài trời lại bắt đầu lác đác những hạt mưa nhỏ nhưng đều dần. Mẫn không nói gì nhìn tôi một lượt vẫn ánh mắt đó, đội chiếc mũ bông lên đầu, cầm đèn pin ngần ngại…đứng dậy. Chỉ vừa bước ra đến cửa Mẫn đã bị đêm Hai mốt nuốt chửng, ánh đèn pin nặng nhọc, yếu ớt xuyên nghiêng. Bất giác tôi thấy thương Mẫn quá chừng, biết đâu những điều tôi vừa nói mang tính “thời sự” hôm nay lại làm em đo đếm tình cảm với Thanh, biết đâu trong cái cười đầy vẻ hiểu đời kia lại uỷ mị trước lời “mị dân” của tôi…Đứng ra cửa, bụm tay lên miệng, tôi gọi: “Mẫn ….ơi!...” nhưng tiếng gọi bị vách núi trả lời bằng những âm thanh kéo dài vọng lại.. Đêm đó, tôi trằn trọc thấy thương Mẫn, thương cái dáng nhanh nhẹn, lầm lũi xách đèn ra đi…
 Từ Đoàn xuống trường đi tắt vòng quanh chân hai quả đồi. Phía trên đỉnh có một khu đất bằng phẳng trồng ngô quanh năm, bờ rào ngô bằng dây đỗ nho nhe ken dày chằng chịt những ngày nắng ráo chúng tôi hay đến xin chủ nhà. Người chủ nhà tươi cười, hai hàm răng ố vàng khói thuốc: “Cô giáo lấy được bao nhiêu tuỳ thôi mà” .Giống đỗ cho quả suốt từ tháng Tư ta cho đến những ngày gặp sương muối mới lụi, gốc đó sang xuân lại nảy mầm lên tiếp.
                                                            *
      Ngày 20.11 một ngày trọng đại tưng bừng đối với Nhà giáo, trường tôi đã tổ chức từ hôm 17 để giáo viên còn đi giao lưu các trường bạn. Hôm đó, tôi xung phong ở lại trông trường. Một buổi sáng lạnh đến tê tái, ngôi trường không có một tiếng chim hót nhưng trong tôi vẫn rộn lên một niềm vui rất khó tả. Đi ra, đi vào… mở hòm lấy bộ quần áo mẹ may khi tôi bắt đầu nhận Quyết định đi làm, bộ quần áo lỗi mốt nên lâu lắm tôi không mặc, hôm nay mặc lại bất chợt tôi thấy rất đẹp và mới, moi bộ son phấn dùng trong ngày Khai giảng nó còn thơm mùi hoa quả. Mặc quần áo, trang điểm xong khép hờ các cánh cửa tôi muốn đi mà không biết đi đâu _ Nhưng, thôi cứ đi. Bàn chân đưa tôi đến nương ngô. Ngồi trên mỏm đá phóng tầm mắt nhìn tứ bề vẫn rất yên lặng. Phía xa xa bên sườn núi đối diện hình như có người…dõi mắt chăm chú hơn tôi phát hiện đó là hai đứa bé chăn bò hình như chúng đang chơi trò chốn tìm. Nhìn chúng tôi muốn chạy sang đó quá chừng vì ít ra còn có người để nói chuyện nhưng thung lũng thăm thẳm trước mặt, với lại nhìn vậy thôi chứ đi thì…chắc gì trưa đã đến. Ý nghĩ đó kéo tôi ngồi lại mỏm đá dõi mắt nhìn theo chúng…thèm thuồng…khát khao.
  Đúng lúc đó Mẫn xuất hiện. Em ôm bó hoa dại cuống được cuộn gọn gàng trong tờ giấy trắng.
- Em tặng chị! Chúc mừng ngày 20.11 chúc chị sức khoẻ, luôn trẻ đẹp…
Không hiểu sao nhận bó hoa từ tay Mẫn, tôi oà khóc nức nở…Mẫn luống cuống:  - Chị! Sao chị lại khóc. Chị!...Mẫn đặt tay lên vai tôi
Tôi hất tay Mẫn… Lúc này kẻ vô duyên là Mẫn …có lẽ không biết sử sự thế nào cho phải? Mẫn im lặng…mãi sau Mẫn cầm tay tôi:
- Chị à! Mấy anh em trên Đoàn xuống chơi, chị về đi!
- Chị không về, em về mở cửa mời họ vào nhà giúp chị…
- Kìa chị!- Mẫn nhìn tôi rất chìu mến, cái nhìn rất đỗi gần gũi, cảm thông, một chút tình thương yêu và cả bao dung thân ái.
   Lau khô nước mắt, bình thản về nhà. Căn phong trở nên chật chội bởi nó chứa đầy lời chúc, tiếng cười. Đáp lại tình cảm của các bạn chúng tôi lại uống rượu. Tự khi nào rượu là nét văn hoá rất riêng của vùng cao. Gặp nhau là uống, buồn uống rượu, vui uống rượu mà không buồn không vui cũng rủ nhau uống.
Còn nhớ một lần về nhà các bạn học cùng lớp thời cấp Hai đến chơi ở lại ăn cơm. Mời bạn, tôi cứ cạn từng chén. Mẹ vừa cất chai rượu vừa mắng: “Con này ra ngoài cũng thế à. Uống lắm rượu cho nó khốn nạn con người hả con?”.. Lâu lắm tôi đã không nhớ lời mẹ,  mà hôm nay tôi nhớ Mẹ, nhớ con gái đến cồn cào.
                                                        *
    Khoảng một tuần không thấy Mẫn đến tôi đoán em vào bản chứ nếu về hay đi công tác thì em đẫ nói với tôi. Chiều đó, Bằng cùng đơn vị với Mẫn xuống chơi. Mới có tháng Hai ta mà cái nắng gắt gao như mùa hè, vừa bước vào phòng Bằng cửi áo ngoài vắt lên thành ghế:
- Chị Bình này! Thằng Mẫn yêu cái Hà hôm nay báo cáo đơn vị đấy?
- Vậy hả? Thảo nào mà cả tuần nay không thấy Mẫn đến.
Cầm chén nước Bằng dò xét:
- Chúng nó quen nhau chưa được tuần mà đã báo cáo, chán chết…
- Mẫn lấy vợ cũng là muộn, gần ba mươi rồi còn gì?
- Thế chị – Bằng dừng lại nhìn tôi- Không quan tâm à?...
- Quan tâm gì? _ Quay lại gặp ánh mắt… lạ lắm, dừng giây lát_ Thế em nghĩ?.. Đến đây tôi kịp dừng lại.
Bằng phá cười: “ Em và mọi người đều nghĩ đúng cái ý nghĩ mà chị bỏ lửng đấy?”
- Vớ vẩn…Tự dưng, mặt tôi cũng nóng ran lên rồi luống cuống. Tôi vội vã: “Không! Không phải, chị già rồi, chị là chị…”
- Thế là em biết rồi nhé! Đùa thôi, hôm nay Mẫn kết nạp em xuống mời chị lên ăn cơm cùng đơn vị.
… Sau bữa cơm Mẫn đưa tôi về trên con đường chính, con đường đủ rộng để ôtô chở dầu và muối về xã. Ngồi trên vệ cỏ lề đường nhìn sang dãy núi. Mẫn nói đầy vẻ ưu tư:
- Chị Bình! Em và Thanh đã chia tay rồi em tôn trọng lựa chọn đó của Thanh
Tôi giãy nảy: “Có phải do chị đã nói với em trong tối đó?”
Mẫn nhìn đôi mắt thẫn thờ : “Chị Bình à! chị đã là một phần trong cuộc sống của em. Chị có cảm nhận điều đó?...” Mẫn nắm tay nhìn sâu trong mắt tôi, ánh mắt quen thuộc này…nhưng hôm nay..
- Chị Bình! Chị chấp nhận em chứ?- Mẫn vừa quàng cánh tay lên vai, tôi có cảm giác rất lạ vừa như nóng bỏng lại vừa như lạnh buốt, gai gai, một luồng điện chạy dọc cơ thể tôi run rẩy…
- Không! Tôi vội vã đứng dậy định vùng…chạy trốn (sự ngốc nghếch nhất của người  đàn bà  tuổi ba mươi)
 Cái kéo tay của Mẫn làm tôi xiêu vẹo rồi đổ vào lòng Mẫn.
- Chị Bình! Em biết chưa bao giờ chị coi em là người lớn…
 Tôi ngồi ngay ngắn trở lại
- Mẫn à! Chị , chị…..(tôi muốn nói chị đã qua một lần li dị, chị đã có con nhưng không sao nói nổi) Em… còn nhiều cô gái trẻ cho em lựa chọn. Bất giác tôi nhìn vào Mẫn: Mẫn! Chị là chị… Rồi vội vã quay đi.
 Mẫn xoay mặt tôi lại:
- Chị nhìn thẳng vào mắt em, chị! mọi thứ đối với em không quan trọng. Quan trọng hơn cả là em rất hiểu, rất thương yêu chị , chị có biết điều đó?
  Lần này tôi không nói được gì, đôi mắt mờ dần vì hình như trong đó có nước… Mẫn luôn là người cạnh tôi chăm lo, động viên tôi đúng những lúc tôi cần nhất, cũng chính em là người biết trời lạnh tôi bị dị ứng mà đi bộ cả ngày đường vào dân lấy lá thuốc về đun bắt chị tắm. Mẫn cũng từng theo chị đến hết cả nhà học sinh để rồi cả học sinh và phụ huynh đều gọi Mẫn là Thầy giáo…. Tôi chỉ nghĩ em thương tôi chứ chưa bao giờ nghĩ  có một ngày Mẫn nói yêu tôi.
Nhưng! Chiều hôm nay ???
        ...Mẫn ghé sát tai tôi: Chị ơi! Mãi sau này cũng không thay đổi cách xưng hô đâu chị nhé. Em thích thế vì quen rồi.... Chị Bình!
  Bên sườn núi màu xanh lam dần sẫm lại, lảng bảng rà rà từng búi sương trắng như bông quyện lại đang dần trở về không trung. Một ngày nắng và khô làm cho bầu trời sạch bóng. Dưới thung sâu thấp thoáng những chùm hoa dại thoảng mùi thơm như mật ong theo gió thoang thoảng, đàn khướu mun thi nhau véo von khắp sườn núi. Ông Hòa đi họp về lục lạc ngựa leng keng gặp tôi và Mẫn ông cười nói vang vang:
- Chúng mày về chưa? Cô giáo Bình à! Mày mỏi chân thì ngồi ngựa nhé!
Không ngần ngại, tôi leo lên lưng ngựa Mẫn cầm dây cương dắt đi.
                                        Kỷ niệm ngày mưa
                                            Nguyễn Thuỳ Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét