Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Bờ sông vẫn gió


 Bờ sông vẫn gió
                                  ........Truyện ngắn: Thùy Dung.......
                                         Lá ngô lay ở bờ sông
                                    Bờ sông vẫn gió người không thấy về
                                                        ...... Trúc Thông.....

                                                 Tuổi thơ
            Nhà anh, nhà em cách nhau đúng một giậu mồng tơi. Kẻ thiếu anh, người thiếu em nên ta cưng chiều nhau từ tấm bé. Anh hơn em năm tuổi nên khi em chập chững vào lớp Một thì anh đã học lớp Năm rồi. Một lần, cơn mưa ban trưa bất ngờ ập đến, anh bì bõm cõng em về tận nhà... Anh luôn rủ em chơi trận giả. Mải chạy anh lao sầm vào em – hàm răng vập vào trán sưng như quả trứng. Em không dám về nhà, anh đã dắt em về xin lỗi mẹ. Một buổi sáng đi học, anh đem cho em một nắm xôi gói bằng giấy viết mực tím loang lổ, em ăn ngon lành. Em chia cho anh phần ít hơn. Cứ chiều về anh dắt em đi theo tiếng ríu rít của chim theo dõi chúng trở về tổ để rình rập bắt chim non. Em theo anh chạy nhảy khắp mọi ngõ ngách. Mình còn đánh dấu từng bụi mầm gai, rồi hàng ngày ra xem nó đã bẻ ăn được chưa. Em vẫn còn vết sẹo trên chân và nhớ như in ngày hôm đó. Anh bảo em, ngồi xa ra chỉ xem anh đánh cù thôi, em bướng bỉnh cứ lăng xăng đến gần, anh văng cù vô tình cắm phập vào chân em. máu chảy rất nhiều những giọt máu tong tong vỡ xuống mặt đất, mặt em tái mét, anh cũng kém gì cũng tái mét như em... Anh vội vã dứt nắm lá chó đẻ nhai ngấu nghiến rồi đắp lên vết thương, anh xé chiếc áo may-ô đang mặc băng cho em, chiếc áo bị xé mép quăn lên đến ngực. Anh giấu em vào nhà kho của hợp tác xã - ẩm mốc hôi mùi chuột. Trưa hôm đó, anh mang cho em một bát cơm thật tuyệt. Một ít tương, một khúc cá kho, mấy miếng cà, một ít măng xào và chan canh rau ngót lẫn lộn trong một bát to. Anh bắt em ngồi im ở đó cho đến xẩm tối. Hai mẹ của chúng ta đi tìm con gọi hết cả xóm... Em đòi về định khóc, anh bịt mồm em lại dỗ dành.
    Cuối cùng, mình phải ra “hàng” mẹ.
    Tuổi thơ đúng là tuổi vàng, tuổi ngọc.
                                              Tuổi 17
       Trước công nhà em, mỗi buổi tối trai làng ngấp nghé tỏ tình. hai hàng râm bụt bị họ tỉa dần lúc đầu là hoa sau đến ngọn và cuối cùng là lá. Những bước chân kiên nhẫn ngoài ngõ chờ đợi từ trong nhà vọng ra tiếng dép lê lẹp quẹp. Bắt đầu tiếng huýt sáo, tiếng giả bìm bịp, tắc kè, tiếng hát đổng lên của những anh chàng vừa kịp “vỡ tiếng”. Rồi khúc khích, xô đẩy.
    Anh không thế, mỗi tối anh đến thẳng trong nhà, tự nhiên anh pha nước mời cha mẹ rồi xuống bếp nấu cám lợn cùng em. Từ thân hình rắn chắc của người con trai tuổi 22 tỏa mùi  nồng nồng của mồ hôi lẫn mùi thơm của da thịt. Đôi mắt anh sâu thăm thẳm và hình như em “sợ” nên chẳng bao giờ dám nhìn vào. Nhiều khi, ngồi gần hai bàn tay vô tình chạm nhau mình đều phát hiện bị “điện giật”.... Khác xa lắm thủa ấu thơ...  Bởi ta lớn lên hương đồng cho ta mùi cỏ, gió nội cho ta sự sống mỗi ngày...  trẻ con nấp sau cánh cửa cũng trêu: “L yêu D”.... Em xấu hổ lắm. Mặt anh cũng bừng đỏ : “Thật không?”... Em không dám cùng anh đi chung trên một con đường.  Nhưng nếu tối nào anh không đến thì cũng một đêm , em trằn trọc...
   Con người sống ở nông thôn thật như thời vụ... Qua mùa hè gặt hái xong thì chuẩn bị để đón mừng chào xuân mới. Bao niềm vui cũng từ  những ngày vui xuân... Còn em nỗi buồn cũng từ mùa xuân, chưa được nhân lên đã lại phải đem chia mất rồi....
                                                  ( Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét