Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Truyện ngắn (vừa viết)



                                                           CHIẾN TUYẾN.
                                                                    Truyện ngắn : Thùy Dung
1.
Bầu trời tháng Bẩy đỏng đảnh, thoắt nắng gắt gao, nắng tưởng như cháy da cháy thịt thì trời lại sậm xuống và bắt đầu mưa. Từng cơn mưa xối xả như trút xuống từng xô nước… Rồi trời lại tạnh…
   Ông Thắng cầm cốc nước thuốc nam khó nhọc nhấp từng ngụm, từng ngụm. Mỗi khi trái gió, trở trời thì những vết thương thứ sót lại của chiến tranh găm trong ông trỗi dậy hành hạ ông không ngớt. Ông chịu đựng nỗi đau đớn chỉ bằng những cái nhăn mặt, mắt nhắm nghiền và hai hàm răng cắn vào nhau ken két.
Vợ con ông đã quen với những trận đau hành hạ ông suốt nhiều năm nên họ hiểu tường tận, vợ ông luôn bên cạnh xoa xoa rất nhẹ nhàng lên vùng vết thương ở bụng, cũng nhẹ nhàng vuốt dọc hai bên sườn… tất cả công việc này bà đều thuần thục và cũng làm ông giảm đau đớn hơn.
  Đặt cái cốc lên mặt bàn, nhìn khuôn mặt ông dãn dần rồi hồng hào như thể những cơn đau trong ông đang bị đẩy lùi. Bà thẽ thọt:
-         Ông thấy sao rồi? Có dễ chịu không?
-         Tôi thấy đỡ nhiều, tới này là vào Nam tốt rồi. Lần này tôi với bà sẽ ở
trong đó với vợ chồng nó một tháng, bà chuẩn bị mà sắp xếp công việc ổn thỏa cho vợ chồng thằng Bình đi nhé.
-         Rồi, rồi gớm nhưng ông ốm yếu thế này vào đó mà đau vết thương như ngoài này thì khổ lắm. Nghe nói thời tiết trong đó khác ngoài này.
-         Khác nhưng tôi đã từng có cả một thời gian dài trong đó còn gì, bà không
phải lo. Bà đi cắt lấy mấy thang thuốc mang theo để đề phòng.
 Bà “vâng vâng, dạ dạ” rồi đi đến nhà ông lang Cách.
2.
 Tuy ông là thương binh, luôn bị những trận đau hành hạ nhưng gần tám mươi tuổi ông vẫn còn khỏe lắm, tinh tường và ông có trí nhớ rất tuyệt vời.
Nghe người già nói lại thì ông về quê năm 1975, khi đó nhìn ông tiều tụy, gầy tong teo, ngày về rồi mà vài vết thương trên người ông vẫn còn rỉ máu. Mẹ ông đã tất tả xuôi ngược tìm thầy thuốc, những thang thuốc bằng lá cây đã đem lại cho ông một sự hồi sinh nhanh chóng. Khi ông đã khỏe mạnh, mẹ ông giục ông lấy vợ… Ở tuổi hơn ba mươi  là bộ đội về làng. Người ta trở về bị thương thì được công nhận là thương binh và được hưởng chế độ, ông về làng cũng bị thương nhưng không được hưởng một chế độ gì cả vì vậy mà bao nghi ngờ đều đổ dồn lên dấu chấm hỏi.
   Qua mai mối, bà Tân nhận lời làm vợ ông mặc dù kém ông đến chục tuổi. Một đám cưới được tổ chức đơn giản với mấy mâm, mời bà con láng giềng đến chứng kiến, mừng hạnh phúc cho đoi vợ chồng trẻ, thế là họ hợp pháp ở với nhau. Ngày dẫn con dâu vào nhận buồng ngủ, mẹ ông cầm tay con dâu nói trong nước mắt:
-         Thằng Thắng tuy nó lớn tuổi hơn con nhưng nó vụng lắm, đã là vợ chồng
các con phải biết nhường nhịn nhau, nó hay đau khi trái gió trở trời, có khó tính, khó nết con cũng cố mà hiểu mà chiều nó… Nó là một người tốt đấy con ạ.
Bà Tân cũng nắm chặt tay mẹ chồng, nhìn gương mặt già nua của mẹ, biết bao cay đắng cơ cực, biết bao khó khăn vất vả khi mà chồng mất để lại cho bà sáu người con chưa dựng vợ, gả chồng. Đã xây dựng xong cho năm đứa, bà cũng không thể ngờ được rằng, con trai thứ ba của bà là Thắng lại là người lấy vợ muộn nhất thì đương dưng cậu này phải ở và chăm sóc khi bà về già.
 Kéo con dâu ngồi xuống giường, nắm tay con dâu chặt hơn, nước mắt lưng tròng trong đôi mắt mờ đục như cùi nhãn:
-         Thôi đến bây giờ thì có chết mẹ cũng nhắm mắt thanh thản ra đi rồi.
Bà Tân ôm mẹ chồng an ủi:
-         Mẹ không được nói vậy, mẹ còn phải khỏe để trông cháu cho vợ chồng
con đi làm lấy gạo nuôi các cháu chứ.
-         Con sẽ thiệt thòi hơn mọi người đấy con ạ…
Nói đến đây, bà khóc rưng rức. Có lẽ tất cả những gì đó thuộc về con cái, chỉ có mẹ là người hiểu tường tận. Bà biết con trai bà có những mất mát trong chiến tranh nhưng hiện tại thì chưa được công nhận, bà biết con trai bà nhiều tuổi và luôn đau yếu thì con dâu sẽ là người gánh vác hết mọi công việc trên đôi vai mong manh. Vì vậy, bà cảm thấy thật sự yêu thương con dâu.
  Từ ngày lấy vợ ông Thắng khỏe dần lên, những cơn đau thưa dần.
  Một năm sau, bà sinh đôi hai cậu con trai, ông đặt tên cậu lớn là Hòa, cậu bé là Bình. Gia đình ông tưng bừng vui mừng khôn tả, hai cậu bé giống nhau như hai giọt nước, trắng trẻo, bụ bẫm lại rất ngoan, mau ăn chóng lớn. Mẹ ông Thắng mừng rỡ, mỗi buổi chiều bà đẩy xe đưa hai cháu dạo quanh làng, bi bô cưng nựng. Hai thằng bé cũng thật ngoan, ai bế cũng được, hỏi chuyện là nhoẻn cười toe toét.
 Cuộc sống gia đình ông như chắp cánh, thăng hoa. Vợ ông là người con dâu hiếu thảo với mẹ chồng và nhất mực yêu chồng, thương con. Ông là người đàn ông đúng nghĩa, một người con, người chồng, người cha mẫu mực.
 Cuộc sống của vợ chồng ông mỗi ngày một khá giả hơn, cũng là do sự chịu khó và biết tính toán. Khi con gà bắt đầu cất tiếng gáy thì vợ chồng ông đã lục đục trở dậy vác con dao lên rừng kiếm cái măng, cái lá. Ngày hôm sau, cũng tiếng con gà gáy thì vợ chồng ông lại đã gánh ra chợ bán, nhặt nhạnh từng đồng. Cứ như vậy, khi người khỏe mạnh trong làng còn chưa mua được vật dụng có giá trị thì nhà ông đã có.
 Năm hai cậu con trai của ông hết lớp 12, cả hai đều đòi thi đại học ông chỉ cho một cậu đi học, còn một cậu theo ông phải ở quê để giữ đất đai và chăm sóc cha mẹ khi già yếu. Cuối cùng cậu lớn được đi học, cậu bé ở nhà. Cũng năm đó, mẹ ông qua đời. Trước khi nhắm mắt, xuôi tay bà vẫn hai hàng nước mắt lăn tròn trên tay vợ ông:
-         Đời các con không thực hiện được thì đến đời thằng Hòa, thằng Bình phải
bắt chúng nó tìm bằng được nguyên nhân vì sao thằng bố nó bị thương về làng lại không được hưởng chế độ đấy nhé - bà ghé sát tai con dâu thì thào nhưng rành rẽ - Kể cả nó theo giặc cũng phải tìm hiểu để biết con hiểu không. Nếu nó theo giặc thì đến giờ này mẹ cũng sẽ tha thứ cho nó…
Đứng bên mẹ và cạnh vợ, ông Thắng không nói câu nào, ông không thanh minh, cũng không an ủi mẹ… Ông nhìn sâu đôi mắt dần khép của bà, đôi mắt ấm áp kỳ lạ, ánh mắt rưng rưng, ông thầm nói với bà: Mẹ hãy cứ yên tâm yên nghỉ nơi cực lạc, con không làm điều gì sai để đáng xấu hổ đâu.
 Rân rấn những giọt nước mắt cuối cùng… Bà trở về với cát bụi.
3.
 Năm 2003 khi nhà nước có chủ trương rà soát lại những người đã có công trong các cuộc kháng chiến cứu nước mà được hưởng hay chưa được hưởng chế độ khai báo lại để có chính sách đãi ngộ. Nấn ná mãi, ông mới đi khai báo trường hợp của mình. Sau khi vào lính, ông được theo học một khóa biệt động. Nơi ông chiến đấu là nơi ác liệt nhất thường xuyên nắm tình hình địch trong sào huyệt của chúng, ông hoạt động đơn tuyến với biệt hiệu N101.
Trong một lần thám thính tình hình, cấp trên điều về cùng hoạt động với ông một người mang biệt hiệu N102. Đêm đó là một đêm xảy ra giao tranh ác liệt trong vùng tạm chiếm của giặc, sự càn quét đến từng lá cỏ khiến cho tất cả đều tướp táp, tanh tưởi mùi chết chóc. Người bạn N102 của ông trong đêm đó đã hy sinh. Ông bị thương rất nặng, thoi thóp nằm trên vũng bùn lầy và máu. Khi trời hừng dậy, một tốp lính giặc càn quét lại khu vực này chúng nhặt xác đồng nghiệp và tìm thương binh. Ông đã rất tinh ranh nhặt chiếc áo của người lính chết nằm bên cạnh khoác lên mình chúng tưởng ông cùng phía đã mang ông về chăm sóc vết thương tại trạm quân y. Do ông bị thương nhiều chỗ lại bị thương nặng nên khi chúng hỏi, ông đều chỉ gật hoặc lắc. Trong số những người thường xuyên qua lại, ông biết người tên Huân khét tiếng làm chỉ huy ở đây. Vài lần qua lại tên Huân đã có nghi ngờ ông. Bằng linh cảm sắc bén, ông biết điều đó và trong khi sơ hở ông đã trốn thoát được ra ngoài với sự giúp đỡ của một y sĩ.
 Với những vết thương còn đau đớn trên cơ thể ông không thể đi lại thoải mái được, ông nhờ một đơn vị bộ đội tìm lại người chỉ huy của mình, cái khó cho ông là ông cũng không biết tên chỉ huy và cũng không biết đơn vị đóng ở địa điểm nào vì mỗi lần nhận nhiệm vụ đều ở một địa điểm khác nhau, liên lạc với nhau bằng việc ra ám hiệu và nhận ám hiệu, lại không phải nhận nhiệm vụ với một người.
 Khi đó là những ngày chiến dịch đang gấp gáp, chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 nên người chỉ huy đơn vị mà ông nhờ đó cũng không có thời gian giúp ông. Không bao lâu sau, Miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Miền Nam giải phóng những người chiến thắng mang niềm vui về cho gia đình, cho làng quê. Ông cũng hòa trong dòng người trở về mang theo niềm vui chiến thắng.
  Trong lá đơn ông trình bày với Ban chỉ huy quân sự rất tỉ mỉ, chi tiết nhưng mãi mà người ta vẫn chưa tìm được ai là người làm chứng cho ông, rằng ông từng làm chiến sĩ biệt động hay nói một cách công bằng thì ông là người lính. Mới kỳ lạ, ông đi bộ đội là thật, ông bị thương cũng là thật nhưng lại không đủ bằng chứng để khẳng định ông là lính???
  Khoảng gần một năm sau, người ta báo cho ông lên nhận diện. Thì ra một cựu chỉ huy tình báo Trung ương cục nhớ có biệt hiệu N101, để nhận diện thì N101 có một vết bớt màu tro sau tai trái bằng đầu đũa ăn cơm. Khi ông lên, người ta kiểm tra đúng như vậy.
Vậy là, sau gần ba mươi năm ông mới được công nhận mình là thương binh.
 Ngày cầm cuốn Sổ thương binh còn thơm mùi mực, ông đặt lên ban thờ mẹ mà khóc như một đứa trẻ, dường như mẹ ông cũng cảm nhận được điều đó nên ngọn nến cứ cháy phù phù…
  Bao nhiêu nghi ngờ, bao nhiêu dồn nén đến nay ông được minh oan để sống cuộc sống của một người lính.
4.
  Khi con trai của ông là Hòa học xong Đại học Y khoa và làm bác sĩ trong một bệnh viện lớn ở phía Nam, anh đã xây dựng gia đình riêng.
 Ba vợ anh bệnh nặng, anh muốn bố mẹ anh gặp mặt thông gia một lần,  anh khẩn khoản mời ông bà vào chơi và nhân tiện thăm thú lại nơi ông từng chiến đấu rồi bị thương, cũng để bà biết được thời trẻ ông đã đi quãng đường dằng dặc đó thế nào.
  Gói mấy thang thuốc cắt được ở nhà Thầy lang, ông như sực nhớ mới bảo bà:
-         Bà sang cắt thêm mấy thang thuốc bổ cho ông thông gia xem nào, biết đâu
dùng thuốc tây không hợp và không tốt bằng thuốc lang.
 Bà lại te tái đi.
 Sau khi dặn dò vợ chồng anh Bình, ông bà khăn gói về Hà Nội để hôm sau kịp chuyến bay vào nam. Lần đầu tiên được đi máy bay, cũng là lần đầu tiên ông thấy chiều dài của đất nước mình sao mà “ngắn” thế… Chỉ hơn hai tiếng đồng hồ ông, bà đã có mặt ở thành phố Sài Gòn hoa lệ. Bỗng ông dàn dụa nước mắt nhìn và nhớ lại thảm cảnh trong những năm đã qua, cũng nơi này giờ đổi mới nhiều quá, nguy nga quá và hoành tráng quá. Phút chốc, trong tâm trí ông đan xen hai viễn cảnh vào một, ông như người mộng du xót xa thời chiến tranh và ngây ngất trong ngày hôm nay. Lâu lắm sau, ông mới trở về thực tại, bước lên chiếc xe con sang trọng mà ông cũng không thể tin nổi chiếc xe đó là xe của con trai ông.
  Ngày hôm sau, công việc đầu tiên của ông bà là vào viện thăm thông gia. Ông, bà thông gia cũng là chiến sĩ cách mạng, thực ra khi đó tại mảnh đất này, mảnh đất hứng chịu chiến tranh nếu không theo Cách mạng thì cũng theo lính Cộng hòa chứ đâu có ai được ở yên.
  Một bệnh viện hoành tráng, nguy nga đầy đủ trang thiết bị, ông bà bước vào bệnh viện mà tưởng như lạc vào mê cung, bà thấy rất lạ nên đến đâu cũng đứng lại nhìn. Ông tỏ ra sành sỏi hơn nên cũng không ngần ngại mà giải thích cho bà từng thứ một, có thứ ông biết nhưng có thứ ông cũng không biết.
Hai ông bà thông gia gặp nhau, vòng tay ôm thân thiện. Đang trong bệnh viện nhưng hai ông chuyện và cười không dứt, thấy cuộc nói chuyện vui, bệnh nhân khác cùng phòng cũng xen vào góp chuyện.
Bỗng ông Thắng chững lại khi chạm ánh mắt của người đàn ông vừa chuyện. Ông kia cũng chững lại giây lát…
-         Ông là? – Ông bệnh nhân hỏi …
 Ngập ngừng như là cố để khẳng định lại người đối diện, dù đã hơn ba mươi năm nhưng họ không thể quên nhau… Cả ông Thắng và người đàn ông kia dừng đúng chỗ cần dừng, nhưng rõ ràng cả hai đều hiểu họ nhận ra họ là ai… Đôi mắt của ông Thắng chùng xuống nhưng bao dung hơn lúc nào hết. Ông cười, cái cười hiền lành như người nông dân gặp bạn :
-         Ông Huân, tôi nhớ ra rồi.
  Ông Huân giật bắn mình, mất hết thần sắc từ khi nghe ông Thắng gọi đúng tên. Nhưng ông thông gia đính chính lại:
-         Đó là ông Huấn, ông Huấn ông thông gia ạ.
 Ông Thắng lại cười thật thà:
-         Đúng đúng rồi tôi nhầm ông Huấn…
 Từ khi đó, ông Huân tỏ ra hết sức lóng ngóng, đôi mắt thất thần, cả thân ông đều run rẩy, giọng nói cũng bỗng không tròn. Biết và hiểu nỗi sợ hãi của một người vốn không là bạn, ở tuổi gần đất xa trời này, ông Thắng chủ động đến bên ông Huân rủ ông đi dạo quanh bệnh viện. Từng cơn gió rất nhẹ của buổi chiều tà khẽ rung lay tà áo mỏng mảnh, lật phía trong tấm áo ấy của ông Huân cũng có một vết thương. Có lẽ để có được vết thương này ông Huân cũng từng rất đau đớn. Hai ông ngồi bên nhau mà không biết bắt đầu từ đâu để được một câu chuyện… Đôi mắt đượm xa lắc, ông Thắng hỏi thăm ông Huân về gia đình, con cái và cuộc sống. Ông Huân chỉ trả lời các câu hỏi rất dè dặt. Ông lặng đi bởi những cơn ho khan cứ khằn khặt tự lồng ngực đẩy lên. Ông Thắng xoa vùng lưng và đấm nhẹ nhàng cho “bạn”. Ông Thắng đắng lòng không thể nào ngờ được ông Huân lại được điều trị ở khu A, khu điều trị đặc biệt, ông không muốn hỏi ông Huân vì sao nhưng công bằng mà nói thì ở đời nhiều lắm, những thứ không thể ngờ. Dứt cơn ho, ông Huân nắm bàn tay ông Thắng nhìn sâu vào đó bằng đôi mắt van lơn, một sự cầu xin thảm hại :
-         Tôi….
Thì lại đến một cơn ho, nhưng ông cố nói cho hết câu nên những tiếng sau trở nên vô cùng méo mó:
-         Mong ông rộng lượng …
 Ông Thắng lại vuốt lưng ông “bạn” già:
-         Tất cả chúng ta đã chiến thắng, gần bốn mươi năm mọi thứ đã lùi quá xa,
ông Huân ạ… Ông hãy yên lòng…
 Hoàng hôn màu nham thạch giăng giăng ôm trọn phía chân trời, đèn đường lác đác thắp sáng, từng con bướm đêm ve vẩy, chọc ghẹo chao đèn, tiếng rao lanh lảnh của những người hàng quà rong ào ã… Thành phố về chiều bỗng xao động bâng khuâng.
Ông Thắng đứng dậy, cẩn thận dìu ông Huân về phòng.
  Từ sau hôm đó, bệnh tình của ông Huân cứ nặng dần lên. Người ta kết luận do tuổi cao nên sức đề kháng kém…có lẽ không hề sai. Những ngày này, ông Thắng cũng luôn bên canh ông Huân, coi như bạn “chiến đấu” cùng thời gặp lại nhau, các con ông Huân biết điều đó mừng khôn tả vì theo chúng thì “bạn” của bố không còn một ai cả… Nhưng sức khỏe của ông Huân cứ yếu dần, cho đến một ngày ông không còn gượng dậy được nữa.
  Đám tang của ông Huân được tổ chức chu đáo lắm. Điếu văn đọc cho ông như bài văn được điểm 10. Không biết là người ta lấy từ đâu để có được thành tích mà kể lể.
 Dứt bài điếu văn, người ta mang lá cờ Tổ quốc đỏ tươi, năm cánh của ngôi sao vàng rực rỡ phủ lên chốc quan tài thể hiện một người con có công với Tổ quốc. Lúc này ông Thắng ào tới, hai hàng nước mắt đầm đìa, ông thu lá cờ lại, ôm lá cờ trong lòng, ông nức nở:
-         Huân ơi! Cậu hãy ngủ yên, hãy thật thanh thản nơi chín suối và siêu thoát
bình an, riêng lá cờ này, lá cờ thiêng liêng của tổ quốc là máu thịt của những người cộng sản thì không bao giờ cậu được phép nằm trong đó… Huân nhá! Cả tớ và cậu đều hiểu rất rõ điều đó mà.
    Tiếng quân nhạc lại du dương đưa tiễn người quá cố về miền cực lạc.
                                                                   Ngày 30. 7.2013

                                                                             N.T.D






4 nhận xét:

  1. Đã lau quá không vào trang viết này.
    Mong lại được kết nối trong vòng tay bè bạn.

    Trả lờiXóa
  2. He he ...để chị xé tem entry này nhé , bài viết nhân ngày thương binh liệt sĩ thật là ý nghĩa ! Mong và cầu chúc cho vong linh người thương binh gia ấy sớm được siêu thoát !

    Trả lờiXóa

  3. Lọm khọm cũng vớ được cái ngàn đồng! Méo mó có còn hơn không!
    Dẫu sao người chiến sĩ biệt động cho dù muộn nhưng cũng được nhà nước ghi nhận công lao...
    Cầu mong cho linh hồn người chiến sĩ đó được siêu thoát!

    Trả lờiXóa
  4. đặt cục gạch đã, hóng sau! :)

    Trả lờiXóa